on becomIng a person – tiến trình thành nhân
CARL ROGERS
Dịch: TS.Tô Thị Ánh & Vũ Trọng Ứng
Chương 1: “TÔI LÀ AI?” _ Sự phát triển tư tưởng nghề nghiệp và triết lý cá nhân của tôi
Carl Rogers, ông là ai? Có thể nói ông là ông tổ của trường phái tâm lý học Nhân văn, trường phái tiếp cận thứ ba trong lịch sử phát triển của ngành tâm lí trị liệu, sau trường phái khai sinh ra tâm lý học hiện đại là Phân tâm học của Sigmun Freud, tiếp sau là Tâm lý học Hành vi mà sau này đã phát triển thành trường phái Nhân thức _ Hành vi với nhiều nhà tâm lý học nổi tiếng như Albert Bandura, Albert Ellis … Carl Rogers xuất thân từ ngành kỹ sư nông nghiệp và lớn lên trong gia đình có tín ngưỡng Kitô giáo, nhưng qua quá trình tìm kiếm nghề nghiệp, cái mà khi thực hành nó ông có thể cảm nhận công việc của nghề nghiệp ông theo đuổi sẽ “ không giới hạn niềm tin của tôi – Carl Rogers” , và con đường đó dẫn ông đến với ngành tâm lý học. Carl Rogers không dừng lại ở việc ứng dụng những lý thuyết nền tảng được xây dựng trước đó, ông đã làm việc hăng say, tích lũy kinh nghiệm, với niềm tin sâu sắc rằng “ kinh nghiệm được coi là có thẩm quyền cao nhất với tôi _ Carl Rogers”, ông tiến hành nghiên cứu để tìm ra quy luật của những kinh nghiệm bản thân, từ đó phát triển tư tưởng nghề nghiệp đồng thời phát triển triết lý của cá nhân ông.
Trong chương một của quyển sách “On Becoming a Person _ Tiến trình thành nhân”, bạn sẽ bắt đầu đồng hành trên hành trình phát triển nghề nghiệp và quá trình làm việc của tác giả, thông qua các bài học cá nhân vô cùng quý báu, những bài học đã góp phần to lớn trong việc hình thành triết lý Nhân văn của Carl Rogers. Qua mỗi trang giấy, từng lời ông chia sẻ với ta hiện ra trước mắt, có lẽ khi đó bạn sẽ hiểu vì sao A. Orlov và L. Radzikhoski từng nói về ông như này: “Thế giới có những người thông minh kiệt xuất, còn Rogers là người có phẩm chất nhân cách kiệt xuất. Chúng tôi lần đầu tiên thấy một con người tự do bên trong, thật sự chân thành với bản thân và với mọi người”. Có quá nhiều điều bản thân tôi tâm đắc chỉ với vài trang đầu tiên, nhưng nếu viết ra hết ở đây thì liệu có gây khó chịu cho bạn khi tôi làm “lộ” quá nhiều nội dung của quyển sách không? Vậy tôi xin trích một phần nhỏ thôi, phần đã chạm đến tôi nhất! Ông nói rằng:
“mọi sự kiện đều là thân hữu”
Khi chấp nhận sự điều tra một cách khoa học công việc trị liệu của mình, đôi lúc ông thật sự lo âu trong thời gian chờ đợi kết quả, nếu giả thuyết của ông là sai lầm, nếu ý kiến của ông không được chứng minh thì sao? Sự kiện đó với ông như là kẻ thù đáng sợ vì ông thật sự ghét việc phải điều chỉnh lại tư tưởng của bản thân cũng như không muốn từ bỏ những đường lối cũ về nhận thức và quan niệm, nhưng ở mức độ nào đó ông nhận thức được rằng HỌC TẬP CÓ NGHĨA LÀ CHẤP NHẬN ĐIỀU CHỈNH NHƯ VẬY, và dù đó là một trải nghiệm đau lòng nhưng nó sẽ MANG LẠI ĐIỀU ĐÚNG HƠN, chính xác hơn cái ban đầu về cách hiểu đời. Vậy nên trong bất kỳ lãnh vực nào, một sự kiện dù nhỏ bé diễn ra cũng có thể đưa ta đến gần kề chân lý hơn, và tất cả những sự kiện đó đều rất THÂN THIỆN bởi được gần kề với chân lý bao nhiêu thì chẳng bao giờ là điều tai hại hoặc bất mãn.
Tôi nghĩ, mỗi người từng tiếp xúc với triết lý Nhân văn, chắc sẽ đi từ ngờ vực những lời phát biểu quá đỗi lạ lẫm của ông về tâm lý trị liệu, rồi để giải quyết nỗi ngờ vực đó, có lẽ ta nên thử áp dụng những bài học ông đã hết lòng chỉ dạy, để rồi ta sẽ bất ngờ với kết quả mà ta nhận được, để mỗi lần bạn thử là thêm một lần bạn tin vào “điều diệu kì” của cuộc sống.
Sau cùng, tôi xin dành lại trải nghiệm thú vị đó cho bạn, với không gian riêng tươi mát, trên chiếc ghé yêu thích cùng quyển sách vô cùng giá trị “ On Becoming a Person _ Tiến trình thành nhân” trên tay, để bạn được tận hưởng trọn vẹn giây phút bản thân cảm nhận sâu sắc “ánh sáng” của tri thức vừa được thắp lên trong trái tim bạn.
Hẹn gặp lại bạn ở kì tiếp theo của review sách “On Becoming a Person _ Tiến trình thành nhân”, chúng ta sẽ cùng thảo luận về phần tiếp theo của quyển sách nhé!
K.N