HÀNH TRÌNH (PHẦN.2) – Hố Đen

“HỐ ĐEN” CỦA TÔI

TẦNG MỘT

Tôi thật sự không hiểu tại sao ba tôi mất ở tuổi 47. Tại sao ở thời điểm đó, theo cách như vậy? Tại sao tôi “đơ” ra với tất cả các sự kiện mà tôi nghĩ hẳn người khác sẽ cảm thấy rất đau buồn. Tại sao sự kiện như cơn bão lớn có thể cuốn trôi cuộc đời một người mà trong đời tôi nó đi qua như một cơn mưa nặng hạt dài ngày rồi cũng dứt. Không có gì thay đổi cả, tôi đã nghĩ đi nghĩ lại xem mình nên ứng xử như nào cho phải với hoàn cảnh này, và câu trả lời là: chả có gì tôi cần làm hay làm được cả.

Mẹ tôi có thể đảm bảo tất cả về khoản tài chính của gia đình. Chị tôi sau thời gian bỏ đi giờ đã quay về. Tôi mới đậu vào trường đại học nên phải đi học tiếp thôi. Bản thân tôi cũng không thấy nhớ ba. Đã quá quen với việc không gặp ba mẹ trong thời gian dài, vì từ cấp 1 tôi đã học xa nhà. Trước khi vào trường nội trú cấp 3, thì quãng thời gian tôi ở nhà cũng chỉ dành cho việc học rồi bè bạn. Hai ba con rất ít khi gặp nhau vì ba cũng rất bận với công việc làm nông. Rất ít trò chuyện vì thật sự tôi có tìm nát óc thì cũng không biết mở lời với ba bằng chủ đề gì.

Vậy tóm tắt lại hoàn cảnh gia đình tôi vẫn vậy, tôi vẫn vậy … sau khi ba tôi mất.

Tôi thật sự khó chịu với cái diễn tiến đó. Tôi thấy có lỗi với ba tôi… Nó như chứng minh cho câu “dù hôm nay bạn có chết thì trái đất vẫn quay thôi”. Tôi cứ tự hỏi “ba sống có hạnh phúc không?, ba đã có cuộc sống mãn nguyện không ba?…”. Hỏi đi hỏi lại câu hỏi mà tôi thừa biết mãi mãi chả có lời đáp.

Từ ngày đó tôi bắt đầu ghi chú trong điện thoại những lời tôi muốn nói với ba. Tôi nói ông đừng lo lắng cho mình. Tôi nói tôi không thích cách ông đã nuôi dạy tôi, ông che đậy tất cả cảm xúc của mình nên tôi đã không cảm nhận được tình yêu ông dành cho tôi. Cho đến một lần có người bạn đến nhà thấp nhang cho ba, bác kể với tôi về việc ba vô cùng vui và tự hào khi khoe với bác con gái ông đã đậu trường y. Lúc đó tôi mới biết ba cảm thấy như vậy khi tôi báo kết quả. Tôi kể với ba rằng tôi đang vô cùng mệt mỏi với việc học, nhưng tôi không hối hận khi thi vào trường này. Vì ít nhất trước khi ông mất, tôi kịp báo được chút hiếu ít ỏi cho ba.

Nước mắt tôi sẽ tự động rơi khi tôi nghĩ về ba. Bởi tất cả những kí ức của ông trong tôi là những lúc ông đau đớn cùng cực. Lúc ông chẳng thể nằm mà phải ngồi cả khi ngủ. Là lúc ông có bệnh nặng cũng không dám dựa hẳn vào đứa con gái ngồi phía sau lưng, mong có thể làm điểm tựa để ba nghỉ ngơi. Khoảnh khắc đó tôi mong mình là thằng con trai kinh khủng. Hồi trước tôi vẫn hay nghe ba rất thích có con trai, nhưng nhà chỉ có hai chị em gái. Với lòng tự tôn ngất ngưỡng tôi luôn thể hiện cho ba thấy con chả thua thằng con trai nào. Nhưng khoảnh khắc đó, sự tự tôn kia sụp đỗ hoàn toàn.

Về sau này tôi chơi với tụi bạn là con trai như một thằng con trai. Tụi nó cứ nói với tôi câu này “thật sự với tôi bà như thằng bạn thân” bởi tôi rất khỏe. Tôi leo núi còn nhanh hơn tụi nó, nó mang được balo 10kg thì tôi cũng mang được trên mức đó. Bẩm sinh là người nhóm máu B nên tôi uống bia cũng chỉ có hơn chớ không thua đứa nào. Vì là người đặt sự trung thực lên hàng đầu nên tôi không thể giả vờ nhờ vả gì tụi nó khi mình hoàn toàn có thể giải quyết được. Từ đó tôi trở thành cô gái mạnh mẽ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trong mắt tụi con trai lẫn con gái. Có một quãng, tôi cứ nghĩ vì hai chữ “mạnh mẽ” đó mà tôi bị người tôi thương nhiều năm từ chối. Đâm ra tôi ghét cái tính đó của mình. Nhưng nó là bản chất con người tôi, có ghét thì cũng chả thay đổi được. Cuối cùng sự mạnh mẽ lại “giúp” cho cái hố đen dưới chân tôi càng thêm sâu hun hút.

TẦNG HAI

Niềm mong mỏi, hy vọng, niềm tin tuyệt đối vào bức tranh tươi đẹp khi rời trường cấp 3, khi bản thân được làm chủ thời gian của mình ở đại học, trong bức tranh có một cô gái mang vẻ mặt hân hoan lao vào học hỏi tất cả những điều cô thích thú, cô được sống trọn vẹn với đam mê và cống hiến tận cùng khả năng của bản thân để tạo nên những giá trị có ích cho người khác… bức tranh đó chưa từng tồn tại.

Mọi thứ trong tôi sụp đỗ không thương tiếc ngay từ học kì đầu tiên, tôi phải học những môn rất khó khăn trong lúc cứ phải ra vào bệnh viện hay liên tục lên xuống quãng đường 160km. Tôi rớt gần hết tất cả các môn quan trọng của năm nhất, các môn qua thì cũng chỉ là may rủi. Chính bản thân tôi lúc đó coi thường mình, không thể cảm thông cho kết quả tệ hại kia vì tin rằng mình chả có gì để đỗ lỗi cả ngoài bản thân đã quá buông thả.

Đầu năm hai là khoảng thời gian tôi thật sự muốn phát điên khi nhìn lịch học kín bưng không một kẻ hở cho con kiến có thể đi nhờ. Tôi nghĩ đến việc bảo lưu vì thấy học như này tôi cũng chả thể học nổi. Gia đình không ý kiến gì vì lo sợ tôi học tiếp sẽ phát điên thật. Nhưng bạn bè trong tổ thì can ngăn vì nếu bảo lưu thì tôi sẽ không thể học cùng mọi người nữa. Tụi nó bày cách để tôi có thể nghỉ hẳn việc học 2 tháng muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm. Thế là tôi lên kế hoạch đi du lịch khắp nơi, thậm chí tôi xem cả những thông tin về các chuyến đi đến châu Phi, để làm gì thì giờ nghĩ lại tôi cũng không biết. Nhưng cuối cùng tôi chỉ về ở quê ăn ngủ, chơi với mẹ hơn một tháng thì quay lại trường. Vì thấy thương cho nhỏ bạn cố gắng chạy đông chạy tây, giúp tôi không bị điểm danh vắng trong những buổi thực hành, nếu không tôi sẽ bị cấm thi.

ĐIỀU KỲ DIỆU

Có một sự trùng hợp thú vị vào thời gian này, đó là sự xuất hiện của một người – sau này hiện diện trong câu chuyện của tôi với biệt danh là tổ trưởng, khiến tôi dù thế nào cũng chẳng thể làm lơ. Tôi sẽ tìm kiếm hình ảnh người ấy khi tôi đến lớp. Chỉ cần hình dáng đó thoáng qua ánh mắt tôi một giây thôi cũng đủ làm tôi tỉnh ngủ trong tiết học chiều mệt mỏi, bởi trái tim tôi đột ngột trở nên siêng năng, đập rộn ràng theo một trật tự kì lạ, khiến tôi vui vẻ suốt cả buổi hôm đó.

Thật ra tôi đã bị rung động trước tổ trưởng ngay từ lần đầu tiên tôi nhìn thấy anh chơi bóng chuyền với một nhóm bạn nam, đó là vào buổi học thể dục đầu của chúng tôi. Tôi bị thu hút bởi thần thái trên gương mặt đó, từ khoảng cách khá xa nhưng tôi cảm thấy tin tưởng vẻ mặt cương trực, tôi tin anh là một người chân thành và có khả năng kiểm soát tốt cuộc sống của bản thân. Tôi thật sự thấy hiếu kì vì sao có người con trai mang dáng vẻ tương tự hình mẫu mà tôi muốn trở thành khi cũng chỉ bằng tuổi mình. Tôi muốn biết câu chuyện đã hun đúc nên dáng dấp đó, phong thái đó. Nhưng vì những xáo trộn trong năm nhất khiến tôi quá mệt đến nỗi chả còn hơi sức để tâm đến những hiếu kì kia. Đến năm hai thì không chỉ là suy nghĩ mà cả cảm xúc của bản thân càng làm tôi muốn được tiếp xúc với anh…

(continue HÀNH TRÌNH PHẦN 3 – Bước Chân Đầu Tiên )