xét lại tri thức của con người
THUYẾT CHỌN LỌC TỰ NHIÊN CỦA DARWIN
Thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin cho ta một minh chứng là mặc dù tri thức khoa học mang tính phân biệt có thể là hữu ích cho việc tách nhỏ tự nhiên ra và phân tích từng mảnh nhỏ đó, thì nó chẳng có tác dụng gì trong việc nắm bắt sự chân thực của tự nhiên.
Thuyết tiến hóa của Darwin chia nhỏ bốn tỉ sáu trăm triệu năm kể từ lúc trái đất hình thành, quan sát các sinh vật tồn tại ở những quãng thời gian và những nơi chốn nhất định, rồi xem xét mối quan hệ qua lại của chúng. Dựa trên những điều này, ông phỏng đoán về quá trình đa dạng hóa và sự phát triển mang tính hệ thống của các sinh vật, tiến hành phân loại và từ đó phát triển thành thuyết tiến hóa.
Nói một cách khác, khi ôxi và nước được tạo thành trên trái đất – mà vào lúc ban đầu chỉ là một khối vô cơ – thì các dạng sống sơ khai bắt đầu xuất hiện. Chúng tiến hóa và các dạng sống mới ra đời. Lúc đầu, những vi sinh vật cực kỳ đơn giản, chẳng hạn như nấm mục và vi khuẩn, được sinh ra; rồi chúng phát triển và phân nhánh, các sinh vật có hình thái khác nhau ra đời, dần dần các loại thực vật bậc cao, phức tạp hơn và động vật bắt đầu sinh sôi nảy nở trên trái đất.
Ý tưởng ở đây là các dạng sống trên trái đất thành hình một cách tuần tự, theo sự phát triển của bản thân trái đất. Nhiều dạng sống khác nhau xuất hiện và tồn tại như là một phần của lưới thức ăn, nhưng chỉ có những dạng sống của chúng thì mới sống sót. Điều này được biết đến như là thuyết chọn lọc tự nhiên, thuyết về loài có thể thích nghi cao nhất, và đôi khi được nhắc đến với tên: thuyết về sống sót của loài thích hợp nhất. Trong tất cả các dạng sống, những loại nào được chọn lọc bởi tự nhiên và sống sót qua cuộc đấu tranh sinh tồn thì sẽ có quyền sống tiếp và sinh sản.
Tôi có một câu hỏi về thuyết này như sau: người ta dựa vào đâu để xác định giống loài nào là cao hơn và thấp hơn, và loài nào là mạnh, loài nào là yếu?
GIEO MẦM TRÊN SA MẠC – MASANOBU FUKUOKA
Kết luận loài thích hợp nhất sống sót là ý định của tự nhiên và rằng con người đứng ở vị trí cao nhất là loài đã tiến hóa nhất, có vẻ như phản ánh cái logic kẻ mạnh ở con người hơn là phản ánh trạng thái thực sự của tự nhiên. Thực ra, chẳng ai có thể nói loài nào là mạnh nhất, bởi lẽ tất cả mọi sinh vật đều dựa vào nhau mà tồn tại, sinh sản, và cuối cùng là phân rã, nhờ đó mà sự sống có thể tiếp diễn cho tất cả muôn loài.
Đúng là tất cả các dạng sống – vì sự cần thiết và vì thiết kế của tự nhiên – tiêu thụ lẫn nhau để sống, nhưng chúng không cố ý mang đến sự tuyệt chủng của loài khác, không làm cạn kiệt một cách có hệ thống nguồn thức ăn của các loài khác, hay kết bè kết phái và gây ra chiến tranh. Chúng ta không thể nói điều tương tự về con người.
GIEO MẦM TRÊN SA MẠC – MASANOBU FUKUOKA
Trong nhịp điều theo chu kỳ của tự nhiên, không có chỗ cho cách nhìn phân biệt – vốn là cơ sở cho quan điểm của Darwin về sự ưu việt và thấp kém. Quan điểm này cho rằng các sinh vật đơn bào là thấp kém, còn các dạng sống phức tạp hơn là ưu việt. Sẽ thích hợp hơn nếu nói rằng tất cả chúng ta đều là một dạng sống liên tục.
Việc ta thấy có sự khác biệt hay không giữa những con bướm và con ngài, chuồn chuồn và đom đóm thì tùy thuộc vào việc ta đang nhìn vào tổng thể hay nhìn vào những bộ phận nhỏ hơn. Trong ánh mắt trẻ con, ếch, cá, chim và sóc, dường như tất cả đều là bạn, nhưng con mắt của người lớn thì lại bị thu hút tới những dị biệt ở vẻ bề ngoài và hình tướng, và vì thế chúng dường như là các loài động vật khác nhau.
Nhìn thế giới này một cách vĩ mô hay vi mô thì đơn giản có nghĩa là chúng ta đang sử dụng các thang đo khác nhau. Tùy thuộc vào việc ta dùng thời gian của con người, đo bằng phút và giây, hay dùng thời gian vĩnh cửu của sông Hằng – hoặc tùy vào góc nhìn của ta hẹp như ở trong một chiếc hộp hay rộng lớn như cả vũ trụ – vẻ ngoài của thế giới sẽ thay đổi một cách hoàn toàn.
Tương tự như thế, nhiều người tin là có sự khác biệt lớn giữa sinh vật sống và những thứ không có sự sống. Ngay cả sự phân biệt đó cũng chỉ nảy nòi do cách lĩnh hội của người ta mà ra.
Trích GIEO MẦM TRÊN SA MẠC – MASANOBU FUKUOKA
(XANHShop Biên dịch)