trọn vẹn với hiện tại
Có lẽ bậc cha mẹ nào đôi khi cũng đụng phải nan đề chọn lựa thành công hay hạnh phúc trong việc giáo dục con cái. Đúng là không có nghề nào hèn, đúng là mọi người đều bình đẳng, đúng là giá trị chính yếu của mỗi người là nhân phẩm, và đúng là cứu cánh của cuộc sống là hạnh phúc. Thế nhưng chẳng lẽ lại để con học sao thì học, chơi cứ để chơi, sau này làm nghề gì cũng được miễn sao nó… hạnh phúc? Mà nếu chúng muốn học để thành công, vào một đại học danh giá, được học bổng toàn phần, làm việc tại những công ty nổi tiếng, thì chúng phải hy sinh mọi thứ đề dùi mài kinh sử chứ?
Thật ra đó chỉ lối suy nghĩ phân đôi trắng đen. Mặc dù đa số chúng ta khi bình tâm suy nghĩ đều dễ dàng nhận thấy cuộc sống cực kỳ phức tạp và có nhiều điểm tế nhị trong hầu hết mọi vấn đề, nhưng trí óc chúng ta xem chừng lại thích việc phân loại cuộc sống một cách dễ dàng. Chúng ta thường phân loại và đánh giá tất cả mọi hiện tượng xã hội theo lối xếp chúng vào hai cái hộp, không trắng thì đen. Đó là tập quán suy nghĩ cho rằng cuộc đời chỉ có: không hay có, thắng hay bại, tất cả hay không có gì cả theo công thức A hoặc phi A. Lối suy nghĩ phân loại và đánh giá này không chỉ nhắm vào tha nhân mà còn cả nhắm vào chính người suy nghĩ. Đối với một người mẹ thì “tôi hoàn toàn thất bại trong chuyện dạy con”. Đối với một giáo viên thì “Em B là một đứa vô cùng mất dạy”. Đối với em học sinh thì “Em tuyệt đối dốt toán”.
Ngành Tâm Lý học đã có nhiều nỗ lực để giải thích lối nhận thức và tư duy trắng – đen, có – không, “được ăn cả, ngã về không” này. Theo Tâm Lý học Tiến hóa thì lối tư duy này vốn là công cụ hữu hiệu của tổ tiên chúng ta khi còn sống trong hang động mà mối hiểm nguy từ môi trường luôn chực chờ. Họ phải quyết định ngay tức khắc một con thú là hiền hay dữ, một con rắn là độc hay lành, và một người từ bộ lạc bên là bạn hay thù, vì sống hay chết được quyết định trong giây phút chạm mặt đó, không có thời gian cho những suy nghĩ “có thể như thế này” và “có thể như thế khác”, hay thậm chí “có thể cả hai”. Bản năng sinh tồn này truyền từ nhiều thế hệ đến chúng ta để giúp chúng ta trong những giây phút cần có quyết định khi nguy cấp.
Theo Tâm Lý học Phát triển, đặc biệt trong Lý thuyết Tương quan với Đồ vật, thì lối nhận thức này vốn bắt đầu từ nhỏ khi một đứa trẻ không có khả năng kết hợp hai tính chất đối nghịch trong cùng một vật thể nguồn, chẳng hạn không hiểu được tại sao người mẹ lại vừa đáp ứng vừa không đáp ứng nhu cầu của mình. Khi tiếp xúc với một đối tượng, cho dù đó là một con vật, con người hay món đồ vật, trẻ truy nhận đó như là nguồn thỏa mãn hay bất mãn cho những nhu cầu tâm lý hay sinh lý của chúng. Việc xếp một đối tượng vào hai chứ chưa nói đến nhiều phạm trù khác nhau là một việc vượt khả năng phát triển về trí tuệ của trẻ. Nhà tâm lý trẻ em Jean Piaget cũng cho rằng trẻ em ở cuối giai đoạn thao tác cụ thể [concrete operation] từ ̃7 đến 11 tuổi mới có khả năng xếp cùng một đồ vật vào hai hay ba loại khác nhau, chẳng hạn như màu sắc, hình dáng, và kích thước. Việc phân loại và đánh giá những khái niệm trừu tượng và giả thuyết lại còn khó khăn hơn chỉ đạt được khi trẻ tiến vào giai đoạn thao tác chính thức [formal operation] khi chúng trên 11 tuổi. Và có giả thuyết là nhiều người trưởng thành vẫn không đạt được giai đoạn trí tuệ này.
Về Tâm lý học Nhận thức thì cơ chế của lối tư duy về thế giới trắng đen như thế này phát xuất từ việc thu nhận và nhận thức các kích thích từ môi trường thành từng đơn vị hoàn chỉnh, tuy giới hạn nhưng trong một hình thức mạch lạc, của hệ thống xử lý thông tin của tâm trí. Điều này cũng tương tự như việc ở mỗi khoảnh khắc chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một khía cạnh và ý nghĩa của một bức ảnh ảo giác, chẳng hạn bình hoa/mặt người hay cô gái/bà già, thay vì cùng thấy cả hai cùng lúc.
Cho dù việc giải thích cơ chế của lối tư duy này có ra sao, thì lý do chúng ta tiếp tục sử dụng lối nhận thức và đánh giá như thế này trong đời sống là vì chúng tạo cho ta một cảm giác an toàn trước cuộc đời vốn đầy những bất trắc dù cảm giác này cũng chỉ là giả tạo. Lối tư duy này khiến chúng ta có ảo tưởng là chúng ta đã có một kết luận bất biến về cuộc đời. Người này là thù, người kia là bạn, làm vậy là đúng, làm khác là sai. Chúng ta sẽ không cần phải tìm kiếm và động não nữa. Và đối với mỗi đối tượng chúng ta sẽ có một giải pháp, hay nói đúng hơn là một phản ứng tùy theo đối tượng đó nằm trong một cái hộp nào.
dạy con trong hoang mang i – lê nguyên phương
Cũng như những chuyện khác trong cuộc sống, hướng dẫn và giáo dục con cái cũng tương tự, không chỉ có hai sự chọn lựa, không chỉ có nịnh con và chửi con, ép con em học chết bỏ để trở thành ông này bà nọ, hay bỏ mặc nó cho đắm chìm trong game online hay bạn bè, v.v… Tương tự, sự chọn lựa cũng không chỉ có cho con học tại nhà [homeschooling] hay học tại trường [schooling], du học hay học trong nước, v.v… Mới thoạt nghe thì chắc hẳn ai cũng sẽ giãy nảy, đâu phải ai cũng cực đoan thế. Nhưng nếu chúng ta nhìn chung quanh và nhìn vào lòng mình, chúng ta sẽ thấy suy nghĩ và hành động cực đoan như thế là có thật và xảy ra thất thường. Chúng ta thường chọn một bên trong một giai đoạn rồi có khi đến giai đoạn sau lại chọn bên kia. Và tệ hơn, nếu chúng ta không nhất quán một cách cực đoan thì lại… ngẫu hứng một cách nhất quán.
Thú thật nhiều khi cá nhân tôi cũng cực đoan trong xử thế và hành động. Vì cực đoan khỏe hơn, nó chẳng đòi hỏi chúng ta suy nghĩ nhiều. Cứ theo ấn tượng ban đầu, theo một cuốn sách hay “chuyên gia” nào đó, theo một kinh nghiệm quá khứ nào đó rồi cứ theo quán tính mà làm. Nó dễ dàng hơn nhiều việc theo dõi sự biến chuyển tâm lý của con cái hay học trò của mình không chỉ mỗi ngày mà còn mỗi lúc; nhận diện từng khả năng, cảm hứng và động lực ở từng lĩnh vực của nó; để chọn phương cách thích ứng mà giáo dục hướng dẫn chúng từng lúc từng nơi.
Làm theo kiểu đó hao chất xám mà bộ óc của chúng ta bao tiến hóa lại được lập trình để tiết kiệm năng lượng nhất. Cứ nhìn thấy một vài đặc điểm nổi bật nhất theo cái nhìn của chúng ta, hay thậm chí nghe kể lại, là chúng ta đã sẵn sàng xếp một đối tượng hay một vấn đề vào trong cái hộp trắng hay đen để nó được đi kèm với một giải pháp và thậm chí một cảm xúc được lập trình sẵn. Cái lập trình phản xạ thời xưa giúp chúng ta đánh đấm để sống còn hay bỏ chạy để thoát thân, thì nay chúng ta đem vào cả đời sống xã hội để trốn tránh trách nhiệm động não vốn có thể giúp mình sâu sắc, công bằng và phóng khoáng hơn.
Khốn khổ thay, chúng ta đều biết nếu cứ tiếp tục loay hoay phân tích mổ xẻ vấn đề và đặt nhiều giả thuyết như một sự ám ảnh thì nhiều khi chúng ta lại không làm được gì cả, chỉ ngồi đó mà “giả dụ” và “có thể”. Thế nên Tây mới có câu nói đùa! phân tích khiến… hết nhúc nhích [analysis, paralysis]. Giới tri thức quả thực thường mắc chứng “tê liệt” này. Mặc dù khả năng phân tích chi li tỉ mỉ có thể giúp cho người học có khả năng đạt được tầm nhìn xa rộng, thấy nhiều khía cạnh của vấn đề, thấy được lợi và hại của mỗi giải pháp, không dễ gì một học giả hay giáo sư trong môi trường học thuật trở thành một thương gia hay nhà quân sự. Phân tích lợi hại đến cùng để tìm ra “chân lý” đến lúc “nụ tầm xuân nở ra xanh biếc” thì mọi chuyện đã rồi và thời cơ đã mất.
Thế đâu là “trung đạo” cho câu hỏi tự duy trắng đen hay tư duy đến bại liệt? Hoặc cụ thể hơn, quay trở lại câu hỏi ban đầu trong việc giáo dục con em là: thành công hay hạnh phúc?
Câu trả lời cho tư duy trắng đen là việc trải nghiệm và nhận thức chân chính rằng ý thức chia tất cả mọi sự vật ra làm hai chỉ trò chơi của khái niệm, của bản năng sinh tồn di truyền, sự lười biếng động não. Dù chúng ta có chia chẻ một vấn đề ra thêm 50 hay 500 sắc xám giữa hai màu trắng đen thì đó cũng chỉ là mê cung của khái niệm. Biết dừng thì sống, không biết dừng thì loanh quanh đến hơi thở cuối cùng. Chúng ta sẽ lạc vào trong thế giới của khái niệm đến nỗi đánh mất sự trọn vẹn thực tại. Cho nên ông sư ăn cơm xong thì đi rửa chén đi, chứ đừng luẩn quẩn ở đó mà hỏi ý nghĩa của Bồ đề Đạt Ma đến Trung Hoa. Cây tùng trước sân hay ba cân mè là đạo chứ không cần đi qua… Myanmar. Chỉ cần sống trọn vẹn với thực tại.
DẠY CON TRONG HOANG MANG I – LÊ NGUYÊN PHƯƠNG
Về chuyện dạy con kiểu nào để chúng không chỉ có hai sự chọn lựa giữa thành công hay hạnh phúc thì giải pháp cũng nằm trong tinh thần trọn vẹn với giây phút hiện tiền. Điều này cũng không mới lạ, chúng ta thật ra cũng đã biết con đường trung đạo khi nói: “Học cho ra học, chơi cho ra chơi”. Mỗi đứa trẻ còn trên ghế nhà trường phải cần chú tâm trọn vẹn vào hiện tại và thực tại của mình. Hiện tại và thực tại của các em là trách nhiệm gia đình và với trường học, với bài làm và việc nhà. Và hiện thực cũng nằm trong những giây phút thư giãn nghỉ ngơi. Không chìm đắm trong giờ học, và cũng không ngồi đó suốt ngày mơ tưởng tới kết quả của chuyện học hay hậu quả việc chơi.
Vấn đề là ở việc khi trẻ đang làm gì đó, chúng đã tận lực, chuyên chú và trách nhiệm với việc đó hay không. Nếu một đứa trẻ không giỏi đủ để lên đại học để thành bác sĩ, luật sư dù đã tận lực và chuyên chú với trách nhiệm thì em đấy còn có giá trị hơn nhiều lần một đứa trẻ khác phung phí năng lực của mình, khi làm việc gì cũng nữa chừng, và bỏ bê trách nhiệm với chính bản thân, gia đình, học đường, và ngay cả đối với bản thân của chính mình. Một em học sinh không thể lười biếng ơ hờ trong học tập rồi sau đó tự biện hộ miễn sao mình hạnh phúc. Và ngược lại một em học sinh cũng không thể đắm chìm trong ganh đua, hy sinh tất cả cho sự thành đạt để rồi một ngày sống trong giàu sang và danh tiếng nhưng trầm cảm, oán hận, và cô đơn. Các em cần sống trọn vẹn với thực tại để không nuối tiếc đã đi ngang cuộc đời một cách hững hờ.
DẠY CON TRONG HOANG MANG I – LÊ NGUYÊN PHƯƠNG
Không biết “tình yêu bắt đầu từ đôi mắt” không, chứ chắc chắn là “ngày mai bắt đầu từ hôm nay”. Còn tôi thì thường tự răn mình: “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” kẻo không một ngày nào đó, “nhìn lại mình, đời đã xanh rêu”.
Trích DẠY CON TRONG HOANG MANG I – Thầy LÊ NGUYÊN PHƯƠNG