THƯ GỬI THẦY – ĐỊNH NGHĨA “TỐT & XẤU”?

Đến với buổi trình bày của Sơ Uyên và Nathan đã giúp em hiểu nhiều hơn về những lợi ích cũng như khó khăn của mỗi liệu pháp khi được áp dụng vào thực hành, nhưng điều khiến em bận tâm nhiều hơn đó là một trong những cách họ dẫn dắt vào chủ đề, với buổi của Sơ Uyên là câu hỏi này:

NHƯ THẾ NÀO LÀ BA MẸ TỐT?

Em chưa làm mẹ, em có một người mẹ với em thì đó là điều may mắn nhất cuộc đời đã ban tặng, nhưng em cũng không thể kết luận việc mình cũng làm mẹ như vậy là tốt hay không? Cuối cùng em thật sự không trả lời được câu hỏi đó, vậy nên em đặt lại câu hỏi cho mình là:

EM MUỐN TRỞ THÀNH NGƯỜI MẸ NHƯ THẾ NÀO?

Câu hỏi này dễ hơn với em, vì em có thể trả lời ngay là: mình sẽ trở thành một người mẹ luôn đặt sự trung thực với con lên hàng đầu, em không biết điều đó là tốt hay không đối với đứa con, nhưng đó là điều mà em có thể cam kết sẽ không bao giờ em phá bỏ .

Những suy nghĩ trên dẫn em đến với một câu hỏi : TẠI SAO CỨ PHẢI LÀM ĐIỀU ĐÚNG, ĐIỀU TÔT ?
Từ việc Sơ đã đặt câu hỏi theo cách đó, đến cách mọi người hưởng ứng qua các câu trả lời thể hiện nhiều về chiều hướng suy nghĩ của đa số trong căn phòng. Đến thời đại này chúng ta không lạ gì với việc một công bố khoa học được chứng minh hàng thế kỉ trước thì sáng hôm nay có một cá nhân hay tổ chức phát hiện ra đôi chổ sai trong đó. Liệu từ trước đến nay có ai thực sự đã làm đúng trong quảng thời gian họ sống? hay cuộc đời là sự tiếp nối của những việc làm sai, nhận ra và làm sai theo cách khác? Nhưng cũng có vấn đề gì đâu nhỉ vì cuối cùng chúng ta đều chết! Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ trở nên sống tùy ý vô trách nhiệm với cuộc đời. Cái em tự hỏi là có phải nên đặt lại vấn đề với sự định hướng của đạo đức lên con người? Em không chắc mình có đang dùng từ “ đạo đức” đúng với ý nghĩa của nó hay không nữa thầy? bên trong em tự nhiên cũng có sự e ngại khi chạm đến hai chữ đó.

Tóm lại điều em tin là chúng ta không thể nào xác minh được đâu là đúng là sai về một vấn đề nếu như không dựa trên tiêu chí là đúng sai đối với chính mình trong từng trường hợp cụ thể, vậy nên sẽ có vô số cái đúng, sai và không thể nào có thể khái quát thành những điều răn dạy có thể truyền miệng.

Tiếp theo là câu khẳng định của Nathan:

TẤT CẢ CHÚNG TA ĐIỀU BIẾT “THAY ĐỔI” LÀ RẤT KHÓ.

WHY??????????? TẠI SAO “THAY ĐỔI” LẠI LÀ ĐIỀU RẤT KHÓ?

Đó thật sự là phản ứng đầu tiên của em khi ngồi trong căn phòng và nghe thấy câu nói đó. Em được nghe nhiều câu trả lời của những người tham dự về con số thời gian để bản thân có thể thay đổi một điều gì đó theo ý mình muốn, hay số lần quay lại thói quen cũ hay không thể duy trì được thói quen mới, nhưng đó chỉ là những dẫn chứng cho câu khẳng định trên, còn ĐÂU MỚI LÀ NGUYÊN NHÂN KHIẾN CON NGƯỜI NGẠI “THAY ĐỔI”? để mỗi lần cần thay đổi một điều gì ở bản thân lại khổ cực như vậy.

Chị Thảo có nói với em về việc loài người trong quá trình hình thành dường như đã tìm ra chân lí cho sự phát triển giống loài là phải “an cư lạc nghiệp”, lời nói đó đưa em quay về với một vấn đề trước em từng bị vướng mắc đó là TẠI SAO CON NGƯỜI KHÔNG THỂ SỐNG HÒA HỢP VỚI TỰ NHIÊN?

Em vẫn nhớ khoảnh khắc em đứng trên ngọn đồi Tà Năng lúc trời chập chạng tối, đưa mắt nhìn một lượt lũ bạn đang cố gắng lê từng bước trên sườn đồi trơn trợt, đây chỉ mới là ngon đồi đầu tiên bọn em đặt chân tới trên con đường quay ngược lại, do sau 1 ngày 1 đêm lạc trong rừng Phan Dũng đã hết lương thực vẫn không tìm được lối đi. Em thấy xung quanh em là trùng trùng điệp điệp núi non, gió thổi ồn ào khiến em mệt và co quắp, trên vai là chiếc balo chắc tầm 15kg, bụng thì đã sạch trơn từ vài tiếng trước nhưng chắc chắn vẫn phải bước tiếp. Đó là lúc dường như em cực kì đồng cảm với tổ tiên về những quyết định họ đã chọn. Hay lần em ở trong căn phòng của trung tâm Thiền Thapawa ( Myanmar ) nơi hoạt động chủ yếu dựa trên việc khất thực của các sư thầy, giúp cung cấp thức ăn hằng ngày cho hơn 1000 người già neo đơn, người khuyết tật được lưu trú để thực hành thiền trị bệnh, thời tiết nắng nóng gần 40 độ, tình nguyện viên ngủ trong căn phòng không một chiếc quạt, trên nền một tấm lót sàn bụi bậm và một đàn muỗi “ tinh ranh”, em thật sự hiểu rõ giới hạn của bản thân ngay ngày đầu đặt chân đến đó, một lần nữa em biết ơn những người đi trước đã tạo nên thế giới hôm nay.

Qua những trải nghiệm đó giúp em thôi than thở về những vấn đề về môi trường khí hậu hiện nay mà chỉ hướng đến việc tìm giải pháp tiếp nối những thành tựu của người đi trước.

Vậy nên đối với câu hỏi về việc tại sao chúng ta hiện nay vô cùng khó khăn khi đối mặt với sự thay đổi , em cũng nghĩ nên là sự chấp nhận và tìm giải pháp để cải thiện “tác dụng phụ” của việc ưu tiên cho sự sinh tồn trước đó của loài người.

K.N