THÀNH CÔNG KHÔNG HẠNH PHÚC

Tuần rồi, một nam sinh lớp 12 người mỹ gốc Mể trong trường trung học nơi tôi làm việc tự tử. Buổi chiều, em vẫn còn làm việc chung nhóm với sự hướng dẫn của giáo viên cho một đề án. Em vẫn nói chuyện cười đùa với các em học sinh khác. Buổi tối, em treo cổ chết. Một cú choáng với gia đình và trường học vì không ai ngờ được một người tuổi vui vẻ với một tương lai đầy xán lạn như em lại chọn chia tay cuộc sống. Trên mạng dữ liệu của trường, hình em vẫn còn đó với nụ cười rất dể thương.

Nguồn https://thanhnien.vn/giao-duc/day-con-trong-hoang-mang-nhan-giai-sach-hay-2018-1003662.html

Em đang học chương trình Program of Additional Curicular Experiences (PACE), một chương trình học tập dành riêng cho khoảng 15% học sinh ưu tú trong trường. Học sinh trong PACE lấy 7 lớp Tiên tiến [Advanved Placement], Danh dự [Honor] hay Gia tốc [Accelerated] một mùa cùng với chương trình ngoại khóa khác, đặc biệt là thế thao. Thay vì ra về lúc 2 giờ 45 chiều như các em khác, các em trong chương trình PACE thường về nhà lúc 5 – 6 giờ tối sau khi tập luyện thể thao. Nếu có lịch thi đấu, các em về đến nhà 7- 8 giờ tối. Sau khi cơm nước, các em lao vào chồng bài tập cao ngất đến nữa đêm.

Trong 5 năm qua làm việc tại trường, tôi thấy số học sinh bị căng thẳng, lo âu, và trầm cảm (Stress, Anxiety, Depression – SAD) gia tăng trong các chương trình dành cho học sinh ưu tú. Tiến trình bao giờ cũng vậy, căng thẳng dẩn đến lo âu sợ hãi, rồi lo âu mà cảm thấy vô vọng dẩn đến trầm cảm.

Mặc dù tôi không tìm được con số chính xác cho học sinh trung học, có khoảng 10% cho đến 15% học sinh từ 13 đến 18 tuổi học tại Hoa Kỳ bị trầm cảm, trong đó 5% học sinh bị trầm cảm lâm sàng (tên khác của Major Depression Disorder) và 8,3% đã từng bị ít nhất một lần. Riêng về tỉ lệ tự tử có liên hệ tới trầm cảm thì các số liệu cũ hơn (Current Opinion in pediatrics, 2009) cho thấy 60% trẻ vị thành niên tự tử bị trầm cảm lúc chết, 40% – 80% được chuẩn đoán bị trầm cảm khi định tự tử. Trong nhóm bị chứng trầm cảm lâm sàng hay dạng nhẹ hơn thì có đến 85% có ý nghĩ tự tử, 32% từng tự tử và trong đó 20% từng ít nhất một lần.

Thế nhưng nhìn những con số tại Việt Nam thật đáng sợ. Theo một số nghiêng cứu đăng trên tờ BMC Public Health năm 2013 thì trong 1260 học sinh trung học phổ thông tại Cần Thơ thì tỉ lệ học sinh bị trầm cảm là 41,1%. Cũng trong nhóm này, tỉ lệ trẻ có ý tưởng tự tử là 26,3%, có kế hoạch tự tử là 12,9%, và đã từng tự tử là 3,8%. Hãy thử so sánh con số này với tỉ lệ học sinh trung học tại Hoa Kỳ trong năm 2014. Số thống kê ở Việt Nam cao hơn ở tỉ lệ trẻ bị trầm cảm nhưng thấp hơn ở tỉ lệ trẻ tự tử khi có bệnh này. Dù tỉ lệ vẫn là thiểu số, và tỉ lệ có ý tưởng tự sát [suicidal ideation] lại càng ít hơn, nhưng đối với mỗi em và gia đình, mỗi cơn bệnh và hành động tự hại là đau khổ và tai họa.

Tôi biết vấn đề trầm cảm hiện nay khá trầm trọng ở Việt Nam. Nhưng nguồn nhân lực trong nước có đủ khả năng giải quyết vấn đề này còn giới hạn từ khâu chẩn đoán đến can thiệp hay điều trị. Vì sự thiếu thốn đó và cũng vì một số người chưa hiểu bản chất của chứng trầm cảm, người bị trầm cảm có khi tìm sự trợ giúp từ tâm linh, tôn giáo, huyền học… Nếu những lời khuyên của các tu sỹ hay giáo pháo từ kinh sách có thể có tác dụng trấn an họ tạm thời, kết quả thật sự những phương pháp luyện tâm theo tôn giáo để đối trị trầm cảm đòi hỏi việc thực hành nghiêm chỉnh và lâu dài. Nhưng nếu chẳng may, bệnh nhân cũng dể dàng trở thành con mồi cho những đạo sự giả, thầy pháp hay thầy cúng dị đoan. Vì vậy việc chữa trị chứng trầm cảm nên được bàn thảo một cách khoa học để tránh gây thêm sự hiểu lầm tai hại về chứng sức khỏe tâm thần rất phổ biến nay.

Nhiều người ở Việt Nam vẫn nghĩ rằng trầm cảm chỉ là xuống tinh thần, là yếu đuối không chống đỡ nổi với những khó khăn của đời sống. Nhưng thử đọc vài lời của một chuyên gia, Giáo sư Ralph Cash của Hội Tâm lý Học đường tại Hoa Kỳ đã viết:

“Chứng rồi loạn trầm cảm chính, thường được gọi là trầm cảm lâm sàng, trầm trọng hơn chứ không chỉ là cảm xúc xuống tinh thần hay gặp một ngày tệ hại. Nó khác những cảm xúc thông thường về thương tiếc vốn thường theo sau một mất mát to tát, chẳng hạn một người trong gia đình qua. Nó là một dạng của bệnh tâm thần ảnh hưởng toàn thể con người. Nó thay đổi cách một người cảm xúc, suy nghĩ, và hành động; nó không phải là nhược điểm cá nhân hay lỗi về nhân cách. Trẻ em và thiếu niên khi bị trầm cảm không thể tự thoát ra khỏi chứng này. Nếu để không chữa trị, trầm cảm có thể dẫn tới việc học hành sút kém, rối loạn hành vi và phạm pháp, chứng nhịn ăn hay ăn nhồi, chứng sợ hãi trường học, những cơn khủng hoảng, sử dụng ma túy và kể cả tự tử.”

DẠY CON TRONG HOANG MANG – LÊ NGUYÊN PHƯƠNG

Thế nhưng không phải em nào mắc chứng trầm cảm cũng hiểu được ý nghĩa của việc chữa trị. Tuần nào cũng vậy, bà chuyên viên tham vấn gửi email cho tôi tên một vài em, xem còn thời gian thì tôi nhận giùm, vì tôi chịu trách nhiệm các ca trầm trọng và chuyên môn về các rối loạn cảm xúc này. Thế nhưng, đa số học sinh không muốn bị gọi tham vấn trong giờ học vì sợ mất giờ trong lớp, hay thậm chí sau giờ học vì sợ mất cả buổi tập thể thao. Khi vào tham vấn, đa số đều có cặp mắt vô hồn, không còn tinh nhanh. Chỉ cần ngồi yên một chút, các em đã ngủ gục vì thiếu ngủ thường xuyên. Khi hỏi các em về mục đích tương lai, các em đều mong được vào các trường danh tiếng. Khi hỏi thêm , đa số đều không thể nói rõ mục đích đời mình. Đa số đều dằn vặt với chính mình. Một số lớn lại bắt đầu mỗi câu bằng điệp khúc: mẹ em muốn, ba em muốn, thầy cô em muốn…

Các em đều biết mình bị căng thẳng, lo âu và /hay trầm cảm nhưng đa số chỉ muốn chấm dứt ngay những trạng thái cảm xúc “bất ưng” và “cản trở” chuyện học của mình. Nhiều em sau vài buổi đầu thấy có hiệu quả là bỏ dở. Các em chỉ muốn bỏ đi cảm xúc bất ưng như bỏ một chiếc áo, một chiếc xe, hay kể cả một người bạn. Các em xem toàn bộ thân tâm mình như là những mảnh vụn nối lại với nhau để các em có thể dễ dàng tháo bỏ những mảnh không ưng ý. Giải phẩu thẩm mỹ còn sữa đổi được những phần không ưng ý thì huống gì một cảm xúc, phải không? Vai trò của điều trị tâm lý với các em chỉ có vậy.

Các em không hiểu được toàn bộ cuộc sống của mình, suy nghĩ, giá trị, mục tiêu, v.v… vốn là một thể thống nhất và nay đã sai hướng, đã lệch trục – như nghĩa đen chữ Dukkha (khổ), một trục xe đã lệch lỗ khiến cho chiếc xe bị dằn xóc. Các em chỉ muốn một bài tập hay một viên thuốc có thể chấm dứt cảm xúc đó để tiếp tục lao vào học… để thành công. Thành công theo định nghĩa của cha mẹ, của thầy cô, của bạn bè và của xã hội. Bố muốn, mẹ muốn, thầy cô muốn. Nhưng không phải các em muốn, không phải thành công của các em. Trong khi các ông bố bà mẹ hớn hở khoe con học trường chuyên lớp giỏi mỗi khi gặp bạn bè trong các buổi hội hè thì các em vẫn chưa tìm được định nghĩa của riêng mình.

Là phụ huynh, nhiều khi các bạn nghĩa rằng con mình không thể nào bị trầm cảm. Trông nó thành công trong học tập thế kia, bạn bè lúc nào cũng có cười đùa với nhau, nó còn định năm sau đi du lịch nữa kia. Thế nhưng như cậu học sinh học lớp 12 với tương lai xán lạn kể trên, hay như cô Jessica Gimeson trên một phóng sự bằng phim của đài MSNBC về tỉ lệ trầm cảm cao của những phụ nữ gốc Á trên đất Mỹ, phụ huynh của Jessica Gimeson, người Mỹ gốc Hàn phi (Korea – Filippino) đã không tin rằng con mình bị trầm cảm chi vì cô ta thành công trong học tập, đoạt thủ khoa khi tốt nghiệp trung học. Khi vị mục sư Mỹ gốc Hàn ở nhà thờ nơi gia đình cô ta đi lễ được nhờ giúp, ông ta cũng cho rằng những triệu chứng mà Jessica có chỉ là lo âu giai đoạn thiếu niên và sẽ chóng qua. Nhưng như lời Jessica tự thuật:

“Điều tạo ra bóng tối, điều làm nó tệ hơn cảm xúc buồn bã thông thường là bạn không nổ lực hoạt động nổi. Nó như phải cố gắng nhấc toàn thân lên mỗi ngày. Ngay cả những chuyện dể dàng cũng trở nên khó khăn”.

dạy con trong hoang mang – lê nguyên phương

Hay như Kyle Huỳnh, học sinh lớp 10 trường Bolsa Grande ngay trung tâm phố người Việt bang California, đã tự ải vào tháng 11 năm vừa rồi. Trong lá thư tuyệt mệnh để lại, em đã chia sẻ những lý do mình muốn ra đi: “Nếu phải nói ra lý do vì sao mình tự tử thì đó chính là nổi buồn chán, là căn bệnh trầm cảm, mình ghét việc học hành và hệ thống giáo dục…”. Với cái tuổi tràn đầy lý tưởng đó, em “cảm thấy bất lực trong việc thay đổi thế giới”. Nếu nhiều người trong chúng ta vẫn có thế sống mỗi ngày chỉ để tồn tại, để ăn uống, để khoe quần là áo lượt, nhà cao cửa rộng, và những đứa con thành công với bằng cấp y khoa, luật khoa, thì Kyle đã không tương nhượng với cuộc sống đó. Em viết: “Ngoài nỗi chán chường ra, mình còn quyết định kết liễu cuộc đời khi nhận ra rằng mình không thể đóng góp được gì có giá trị cho thế gian này. Mình luôn muốn giúp mọi người bằng mọi cách mà mình có thể, chính xác hơn là giúp loài người nhận ra rằng điều mà chúng ta làm đối với môi trường sống, đối với nhau là sai. Nhưng mình biết rằng điều đó là không thể. Con người luôn sát hại nhau bởi những lý do điên rồ và hủy diệt môi trường sống khi chúng chẳng làm gì nên tội ngoài việc giúp ích cho chúng ta mà thôi. không gì có thể thay đổi được những việc làm đó. Đấy là điều khiến mình cảm thấy bức bối rất nhiều khi không thể làm được gì hết để tạo nên sự thay đổi, đặc biệt là với thằng nhóc 15 tuổi mà ba me lại kỳ vọng nó đi vào lãnh vực y khoa”.

Xin các bạn để một ít thời gian quan tâm tới tinh thần của các học sinh sinh viên và các em thân yêu của mình. Những tiện nghi vật chất dù có giá trị, cũng không bằng một ánh mắt, nụ cười, và bờ vai của những người thương yêu, và hãy giúp các em tự tìm định nghĩa cho hạnh phúc và lý tưởng của riêng mình. Vì không ai có thể bình an với một thành công không có bóng dáng của hạnh phúc. Và vô nghĩa.

Nguồn DẠY CON TRONG HOANG MANG – Lê Nguyên Phương