Phân tích bản thân không cho ta biết mức độ phù hợp đối với công việc

ĐỐI THOẠI VỚI SOCRATES

NHỮNG CUỘC ĐỐI THOẠI LÀM THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI BẠN

“Xem nào…Tôi là người kiên nhẫn, tràn đầy nhiệt huyết làm việc đến cùng, có sức chịu đựng, không than vãn dù cho đó là công việc tôi không thích. Có vẻ so với kinh doanh thì tôi hợp với công việc đòi hỏi sáng tạo hơn. Bài kiểm tra tính cách lần trước tôi làm cũng cho ra kết quả giống như thế này, nên hẳn là kết quả phân tích này có thể tin tưởng được. Này ông Socrates, ông nghĩ sao về kết quả này?”

“Hừm”

Lão Socrates buồn chán nghe tôi nói chuyện.

“Hử? Có vẻ ông không có hứng thú lắm với những gì tôi vừa nói nhỉ?”

“Thì bởi cậu không thực sự muốn tìm hiểu sâu về bản thân mình.”

“Ông hơi xúc phạm tôi đấy. Tôi đang rất nghiêm túc.”

“Tôi lại không nghĩ thế. Mà trước tiên thì cậu có thể làm rõ ‘công việc sáng tạo’ là gì được không, nói vậy có hơi mơ hồ.”

“Vậy sao?”

“Đối với tôi có hơi khó hình dung. Những công việc như thế nào được coi là ‘công việc sáng tạo’?”

“Ví dụ như công việc thiết kế hoặc thiên về nghệ thuật ấy.”

“Như hoạ sĩ và nhà thơ?”

“Tôi nghĩ công việc của hoạ sĩ và nhà thơ thì đòi hỏi tính sáng tạo quá cao rồi.”

“Vậy những người làm công việc nghĩ ra ý tưởng mới cho công ty hoặc tổ chức thì sao? Có thể nói đó là công việc sáng tạo được không?”

“Có thể nói vậy.”

“Vậy còn các nhà toán học, thiên văn học thì sao?”

“Công việc của họ cũng đòi hỏi người có khả năng sáng tạo mới làm được, nên tôi nghĩ cũng có thể xếp họ vào hàng ngũ sáng tạo.”

“Đầu bếp thì sao?”

“Hừm, cũng không thể coi công việc của họ là không sáng tạo được.”

“Ra là vậy. Theo những gì cậu nói thì có khá nhiều công việc có tính sáng tạo nhỉ.”

“Đúng vậy.”

“Khi nãy cậu có nói rằng cậu hợp với những công việc có tính sáng tạo, vậy nghĩa là cậu phù hợp với tất cả các công việc nêu trên sao? Nếu đúng là như vậy thì bấy lâu nay tôi đã tranh luận với một thiên tài có tài năng xuất chúng khiến người ta kinh ngạc mà không hề hay biết rồi.”

“Hả, đâu phải vậy.”

“Không đúng sao? Vậy thì không phải là cậu phù hợp với tất cả các công việc mang tính sáng tạo mà chỉ phù hợp với một bộ phận trong đó thôi phải không?”

“Đúng thế.”

“Vậy thì công việc phù hợp với cậu cụ thể là việc nào?”

“…”

Tôi vận dụng mọi tế bào não để suy nghĩ mà không ra việc gì trả lời câu hỏi của lão được.

“Cậu không thể đưa ra câu trả lời sao?”

“…Vâng”

“Không trả lời được là do cậu chưa từng làm công việc của nhà toán học, nhà thiên văn học, hay đầu bếp. Ví dụ, một người có quyền nói rằng ‘tôi hợp với nghề đầu bếp’ nếu anh ta đã từng nấu ăn và được nhiều người khen ngon. Ngoài cơ sở này ra, không thể có cơ sở nào khác quyết định được anh ta có hợp với nghề đó hay không. Cậu cứ thử nghĩ mà xem. Giả sử, có một anh chàng nói rằng “Từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chưa nấu ăn bao giờ. Nhưng vì có tố chất sáng tạo nên chắc chắn tôi phù hợp với nghề đầu bếp”, cậu có nghĩ rằng suy nghĩ này rất ngớ ngẩn không?”

SOCRATES

“Ông nói vậy tôi mới thấy…”

“Cả nhà toán học và thiên văn học nữa, cậu có nghĩ rằng người ta sẽ biết mình có hợp với nghề đó hay không dù chưa từng làm qua?”

“Tôi không nghĩ vậy.”

“Vậy liệu công việc nào là việc ta không cần làm thử cũng biết bản thân có hợp với nó hay không? Cậu có thể kể ra được chứ?”

“Tôi không thể nêu ra được.”

“Vậy chẳng phải ta sẽ chẳng thể nào biết được mình có hợp với công việc đó hay không nếu ta không làm nó trong thực tế hay sao? Tóm lại, trừ phi dùng phép thuật, nếu không sẽ chẳng có chuyện chỉ bằng tố chất cần có mà người ta biết được bản thân phù hợp với một công việc mình chưa từng làm qua.”

Trích: Đối thoại với Socrates – Những cuộc nói chuyện làm thay đổi cuộc đời bạn.

DAISETSU FUJITA – Hạnh Nguyễn Dịch