Ngôn ngữ và tiếng “ê,a”
Tôi từng là một đứa trẻ rất ít nói trong gia đình, cứ ngưỡng mộ biết bao người chị luôn biết pha trò khiến ai cũng phải cười. Lớn hơn một chút, tôi tò mò về cách loài người đã tạo ra ngôn ngữ, cảm thấy đây là phát minh vĩ đại nhất của nhân loại, tôi thật sự muốn biết cách sử dụng nó cho tốt. Đọc nhiều sách, để ý cách người ta dùng ngôn ngữ khi viết, lúc xem các chương trình trên ti vi thì rất chú tâm vào cách người MC truyền đạt qua lời nói, sự khôn ngoan của những người biết vận dụng từ ngữ luôn thu hút tôi. Sau này khi tìm hiểu và học hỏi về ngành tâm lí học, tôi đã rất vui sướng vì gặp được những người thầy mà với tôi họ rất uyên thâm về các loại từ ngữ: từ ngữ chuyên ngành, từ trong giao tiếp đời sống, rồi các từ hán việt mà thời nay ít được nghe đến… Đồng thời cũng được học cách sử dụng từ ngữ trong làm việc tham vấn, được thỏa sự tò mò thuở bé nên tôi thích thú lắm.
Nhưng dù tôi hào hứng kể về sự hay ho của ngôn ngữ với nhỏ bạn thân như thế nào, thì vẫn thường nhận được sự thờ ơ của nó với ngành tôi đang học, vì nó bảo: “đừng phân tích nhiều, mọi thứ trong cuộc sống khó phân tách bằng ngôn ngữ khoa học”. Lúc đó tôi chỉ nghĩ chắc vì nó hiểu được cái hay của những từ ngữ trong tôn giáo, cái đầu tôi thì không tiếp thu được nên “mỗi người mỗi lối vậy”.
Gần đây khi đọc quyển sách “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” của tác giả Phạm Lữ Ân, trong phần chia sẻ với độc giả có đoạn đại ý rằng: tác giả muốn viết một cuốn sách nhẹ nhàng, để khi đọc nó người đọc sẽ nghĩ mình cũng có thể viết một cuốn sách. Lời chia sẻ này làm tôi lưu tâm, vì có vẻ như người này làm nghề bằng ngôn ngữ nhưng họ không thấy ngôn ngữ có gì ghê gớm như cách tôi vẫn nghĩ thì phải?
Hôm qua tôi lại tình cờ nghe thấy một đoạn chia sẻ của Johnny Trí Nguyễn trên livestream của anh, bạn kia hỏi rằng: có phải nói dối là đang gây nghiệp (xấu) không?, anh bảo: lời nói dối không gây nghiệp “xấu” mà quan trọng là tâm của bạn khi nói lời nói đó, nếu đó là tâm đố kị, ganh ghét thì sẽ khác với tâm mong người nghe vui lòng… Chợt tôi nhớ đến một đoạn status đã đọc trên facebook, người bạn nào đó chia sẻ đoạn trích sau:
Một hôm, có một vị hiền triết dẫn theo một nhóm đệ tử đến sông Hằng tắm rửa và cầu nguyện. Khi đến bên bờ sông, họ nhìn thấy một gia đình đang quát tháo nhau ầm ĩ vang cả một góc trời.
Ông nhìn họ một lát, rồi mỉm cười quay lại hỏi những đệ tử của mình: “Các con có biết vì sao người ta thường la hét mỗi khi nổi giận không?”.
Các đệ tử suy nghĩ một lúc, một người nói: “Chúng ta la hét vì mất bình tĩnh”.
“Nhưng vì sao phải la hét khi người khác đứng ngay gần con? Con hoàn toàn có thể nói với anh ta một cách nhẹ nhàng cơ mà?”, vị hiền triết hỏi.
Các đệ tử đưa ra vài câu trả lời khác nhau nhưng không có câu nào trong đó đủ sức thuyết phục.
Sau khi nghe tất cả các đệ tử bày tỏ quan điểm của mình, vị hiền triết mới hiền hòa giải thích: “Khi hai người đang bực tức nhau, đó là khi tấm lòng của họ đang ở cách nhau rất xa. Họ buộc phải hét lên để vượt qua khoảng cách đó và có thể nghe được nhau nói gì.
Điều gì sẽ xảy ra đối với hai người đang yêu? Họ không la hét hay quát tháo mà trò chuyện rất nhẹ nhàng. Khi đó tâm hồn họ ở rất gần nhau, giữa họ không tồn tại khoảng cách, hoặc nếu có thì rất nhỏ…
Điều gì sẽ xảy ra khi họ yêu nhau hơn nữa? Họ không cần nói, chỉ thì thầm, thủ thỉ nhưng tình cảm của họ ngày càng trở nên sâu đậm.
Cuối cùng, thậm chí họ không cần thì thầm, họ chỉ nhìn nhau và hiểu tất cả. Nghĩa là càng yêu nhau nhiều, con người ta càng trở nên gần gũi và thấu hiểu”.
Vị hiền triết nhìn các đệ tử một lượt với ánh trìu mến rồi trầm ngâm: “Khi các con tranh cãi cùng với sự tức giận là các con đang đẩy nhau ra xa. Vì thế đừng bao giờ nói những lời làm người khác tổn thương. Đến lúc, khi khoảng cách trở nên quá lớn, các con sẽ không thể tìm thấy đường về…”
Lời nói – ngôn ngữ, có vẻ không có giá trị gì mấy nhỉ?, như câu “lời nói gió bay” vậy. Cái quan trọng là ở cái tâm,ở tấm lòng. Tấm lòng chúng ta gần hay xa tự nhiên ngôn ngữ cũng thay đổi.
Cũng trong quyển sách “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”, bài viết “Đó cũng là khi ta lạc mất nhau rồi” có một đoạn mà một người mới bắt đầu làm mẹ là tôi tự muốn ghi nhớ lại trong tâm trí:
Tôi biết chuyện của cô một cách tình cờ. Mẹ cô là bạn thân của dì tôi, vẫn còn thảng thốt kể lại chuyện cô con gái 19 tuổi vừa được cứu sống sau khi cắt cổ tay tự tử vì thất tình…
Mẹ cô tìm cách an ủi: “Nó như vậy là không xứng với con, tiếc làm gì”. Cô chỉ cười lớn: “Có gì đâu! Ba đồng một mớ đàn ông mà mẹ, con không quan tâm ảnh nữa”. Vậy nên bà cứ đinh ninh là cô đã nguôi ngoai rồi…
Mẹ cô chảy nước mắt khi tâm sự. “Tính nó là vậy, có gì buồn thường không nói ra, chỉ giấu trong lòng, còn ngoài mặt cứ cười hơ hớ. Lúc nó nhỏ tui luôn nhớ đến điều đó, mà sao bây giờ nó lớn tui lại quên. Nó nói ‘có gì đâu’ là tui cho qua liền. Cái nhạy cảm của người làm mẹ như tui để đâu rồi không biết nữa”.
Cô bé con của tôi chỉ mới hơn một tháng tuổi, mỗi ngày tôi đều được nghe tiếng em oa oa, ê a mỗi khi đói, khi khó chịu, khi buồn ngủ hay lúc đùa vui ít ỏi. Tuy không dễ gì để nhận ra tiếng oa oa này là em đang đói, tiếng oa oa kia là em khó chịu trong bụng, nhưng tôi vẫn luôn dành trọn tấm lòng để cố gắng hiểu em đang muốn được đáp ứng điều gì. Ấy vậy mà có một câu mẹ hay than thở mấy hôm rầy là: “sao mẹ cứ thấy chổ lưng này nó rần rần”, tôi đã đáp lại đến mấy lần: “mẹ nói rần rần là gì con không hiểu”, rồi cứ thế cho qua. Đó là lòng tôi đang không đón nhận lời mẹ mà. Thật đúng như tác giả Phạm Lữ Ân có viết:
Khi ta phải viện đến từ ngữ để tìm cách hiểu nhau, thay vì nghĩ về nhau, nắm bắt cảm xúc của nhau để hiểu nhau. Đó là khi ta nhớ đến Saint Exupéry với lời cảnh tỉnh “Ngôn ngữ là cội nguồn của ngộ nhận”.
Và buồn thay, đó cũng là khi ta để lạc mất nhau rồi.
Nếu như bạn đang bâng khuâng không biết chọn cho mình lối sống nào trong thời buổi “khó nghĩ” này. Khi mà tự nhiên kinh tế, cuộc sống con người đang lao đi với tốc độ của những tàu điện ngầm mỗi sáng, tối tan tầm, những phi cơ không ngơi nghỉ trên bầu trời, những phi thuyền cứ mãi lao vào vũ trụ, đùng một cái chúng ta buộc phải ở trong nhà hơn ba tháng nay, gần như không phải làm gì cả, ở yên là có ích rồi.
Thì không cần biết sống nhanh, sống chậm gì cũng được, miễn là bạn sống bằng tấm lòng với cuộc đời mình. Để những “cội nguồn của ngộ nhận” ít vương vào đâu đó quanh ta.
Bằng cách đó, mong rằng những từ ngữ cứ lộn xộn trong đầu bạn hằng đêm, có thể vơi bớt đi.
Chúc bạn an yên.
K.N
Lê Phương Hiền
Cuộc sống màu nhiệm đến vậy. Chỉ mong sao được sống an lành, tự tại đã là một may mắn lớn.
Bài viết của chị rất hay, mong được đón đọc nhiều hơn.