Khi nói về những điểm tốt của bản thân, “thành thật” hay “chiều theo ý đối phương” quan trọng hơn?

ĐỐI THOẠI VỚI SOCRATES

NHỮNG CUỘC ĐỐI THOẠI LÀM THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI BẠN

“Vậy Satoru này, chúng ta sẽ làm cách nào để phân tích bản thân?”

“Đây, chúng ta sẽ dùng tờ phiếu đánh giá này.”

Tôi phe phẩy tờ phiếu phân tích bản thân trong tay.

“Bây giờ tôi sẽ bắt đầu viết vào tờ phiếu phân tích này. Nếu ông thấy có gì không đúng thì đừng khách sáo, hãy cứ chỉ ra cho tôi biết nhé.”

“Quá đơn giản.”

“Cảm ơn ông. Cách dùng phiếu này rất đơn giản. Xem này, ông hãy nhìn vào đây. Ở chính giữa tờ giấy có một đường kẻ dọc phải không? Phía bên trái đường thẳng này có viết “Tôi thì…”, tương ứng với nó ở phía bên phải là phần chữ ghi “Nên…”

“Rồi sao…”

“Ở phía bên trái, chúng ta sẽ điền vào chỗ trống cho câu “Tôi thì…”. Ví dụ, về bản chất, tôi là một người cần mẫn, nghiêm túc, nên tôi sẽ viết là “Tôi luôn cố gắng trong bất cứ việc gì.”. Còn phía bên phải, tôi sẽ viết một khả năng nào đó liên quan đến phẩm chất vừa viết: “Nên khi đã quyết định làm gì, tôi sẽ làm đến cùng”. Ông xem này, chúng ta sẽ viết tờ phiếu này kiểu như vậy.”

“Ồ, cũng đơn giản nhỉ.”

“Ông cũng thấy thế đúng không?”

“Nhưng cậu Satoru này, việc mà cậu “quyết tân làm” ấy, giả sử có khả năng việc đó không thể thực hiện được thì cậu vẫn muốn làm sao? Ví dụ việc cậu làm chẳng có tác dụng gì, thậm chí gây phiền toái cho người khác thì cậu sẽ vẫn làm sao?”

“Không, sẽ tuỳ tình hình. Trong trường hợp trên thì tôi sẽ không làm việc đó nữa.”

“Thì ra là thế. Vậy thì cậu không phải là tuýp người cứng đầu, một khi đã quyết định làm gì thì sẽ làm cho được bằng mọi giá phải không?”

“Đúng vậy.”

Phiếu phân tích bản thân

Tôi Nên
Tôi luôn cố gắng trong bất cứ việc gì. Nên một khi đã quyết định làm gì, tôi sẽ làm đến
cùng.

“Tóm lại, nhờ sự trung thực với bản thân và lòng nhiệt thành với công việc, cậu sẵn sàng theo đuổi công việc của mình. Điều đó không có nghĩa rằng cậu thiếu tính linh hoạt và bị ám ảnh đến nỗi không thể từ bỏ việc đó.”

“Vâng, tất nhiên rồi.”

“Vậy tôi nghĩ cậu nên sửa lại câu văn vừa rồi. Một tâm hồn đẹp phải được gợi lại qua những câu chữ phù hợp. “Một khi đã quyết định làm gì, tôi sẽ làm đến cùng. Tuy nhiên, trong trường hợp phán đoán thấy việc làm ấy có thể gây tổn hại, tôi sẽ xử lý linh hoạt theo lương tâm.”, đại loại là như vậy.”

94d6d26a6e965fc515fd92d391506b2a

“Cái này có hơi… Xin ông đừng làm gì thừa thãi quá. Nếu viết vậy, người khác sẽ nghĩ tôi là một người nhàm chán chú ý tiểu tiết quá đáng mất.”

“Không phải làm thế sẽ hay hơn sao? Thực ra, điều chúng ta nên trăn trở không phải là lo sợ người khác nghĩ mình là người nhàm chán mà là việc mình thực sự biến thành một người nhàm chán.”

“Xin ông đừng nói những điều ông không nắm rõ. Mà trước tiên thì việc ghi quá kỹ như vậy sẽ gây ấn tượng xấu mất!”

“Cậu lo sẽ gây ấn tượng xấu cho ai vậy?”

“Chẳng phải rõ ràng quá rồi sao? Là nhà tuyển dụng đó.”

“Nhà tuyển dụng?”

“Là người đưa ra quyết định xem có tuyển dụng hay không đấy.”

“À, ra là vậy.”

“Tôi có cảm giác yêu cầu của họ cũng dễ thôi nên bản phân tích cá nhân có lẽ cũng nên viết càng đơn giản càng tốt.”

“Hừm, nhưng mà tôi không hiểu.”

“Ông không hiểu chuyện gì?”

“Bây giờ chúng ta thảo luận về chuyện nhà tuyển dụng sao? Chúng ta đang phân tích bản thân để hiểu rõ con người cậu mà đúng không nhỉ?”

“Đúng là thế nhưng, chuyện này là chuyện này, chuyện kia là chuyện kia đó.”

“Ra là thế. Chuyện này là chuyện này, chuyện kia là chuyện kia à…?”

Lão Socrates có vẻ không thoả mãn lắm với câu trả lời của tôi. Lão cứ liên tục lắc lắc cổ.

“Hừm, cậu Satoru này, nhưng mà dù nói vậy, để có cách xử lý khác nhau cho từng chuyện thì chắc chắn ta phải vạch ra một điểm khác nhau làm căn cứ phân biệt hai chuyện này chứ nhỉ?”

“Hả… ừm.”

“Chính vì thế, tôi rất muốn cậu có thể chỉ ra điểm khác biệt này. Rốt cuộc thì tại sao khi nãy cậu nói rằng “Muốn phân tích bản thân vì chính bản thân mình”, mà bây giờ cậu lại quan tâm đến sắc mặt của nhà tuyển dụng, liệu cậu có giấu bớt thông tin mấu chốt nào không? Điều kiện khi nãy và lúc này có gì khác nhau để cậu nói rằng “chuyện này là chuyện này, chuyện kia là chuyện kia” vậy?”

Tôi chỉ đơn giản mang theo chút kỳ vọng đến đây để thảo luận với lão, nhưng nhìn xem, lão còn lý sự hơn mọi khi, thực sự làm tôi phát bực. Tôi không kiềm chế được mà bộc phát sự bực tức.

“Thôi cho tôi xin, ông nhiều lời quá. Mấy việc tiểu tiết thế sao chả được! Trước tiên tôi phải viết thông tin vào phiếu phân tích này đã nên ông dừng ngay mấy chuyện lộn xộn lại!”

Lão Socrates mở tròn mắt nhìn tôi.

“Sao cậu vội vàng thế nhỉ. Đây là vấn đề liên quan đến sự tồn tại của cậu trên cõi đời này, lẽ ra cần thảo luận từ từ kỹ càng mới phải, hay ta vừa uống trà vừa…”

“Vâng vâng, ông thuyết giáo có vẻ đủ rồi đấy. Thứ nhất, tôi chỉ quan tâm đến việc tôi vừa nhắc, tiếp theo là nên viết gì vào tờ phiếu đây?”

“Cậu cứ y như bạo quân vậy. Bạo quân thường rất quý bọn nịnh thần và hay xua đuổi trung thần. Cậu cũng giống vậy. Tôi đã sẵn sàng thu xếp công việc của mình qua một bên để ra đây giúp đỡ cậu, còn cậu thì cứ mãi đóng khung vấn đề của mình trong những đánh giá cậu muốn nghe, bỏ ngoài tai những lời khuyên thực tế từ người bạn chân thành của cậu là tôi đây. Nếu cậu cứ muốn vậy thì cũng không còn cách nào khác. Suy nghĩ của cậu do cậu điều khiển mà. Vậy thì mời cậu tự do viết những gì cậu muốn đi.”

“Ông không nói thì tôi sẽ vẫn làm vậy thôi.”

Trích: Đối thoại với Socrates – Những cuộc nói chuyện làm thay đổi cuộc đời bạn.

DAISETSU FUJITA – Hạnh Nguyễn Dịch