HÓA GIẢI CÂU CHUYỆN BẢN THÂN BẰNG TÂM LÝ HỌC

“ hôm qua bạn đã nói chuyện với ba mẹ trong bao lâu?”…

CÂU CHUYỆN

Khi đời giông bão, ta muốn tìm về gia đình. Để tâm sự cùng mẹ nhưng lại chỉ lặng im khi thấy mẹ tất bật ngược xuôi. Hay chẳng tìm nổi một chủ đề với ba ngoài câu “chuyện học hành, công việc của con sao rồi?” “dạ, vẫn bình thường ba”. Những lúc đứng giữa căn nhà, thấy mọi thứ xoay chuyển xung quanh mình mà bạn như vô hình trong đó. Bạn cảm thấy như thế nào? Có phải ta lại mang balo lên và đi, tự mình đối mặt với đời mình.

Bây giờ, khoảng cách giữa các thành viên là bao xa rồi?

NIỀM TIN PHI LÝ

Là người con, tôi mang những hình dung về ba mẹ như siêu nhân ấy. Những hình ảnh này còn bị ảnh hưởng bởi văn hóa, giáo dục trong cộng đồng người Việt.

“ Nghĩa mẹ như biển rộng, công cha như trời cao
Ơn sinh thành dưỡng dục, vời vợi tựa trăng sao”

Mẹ tôi là một người phụ nữ mạnh mẽ, bà giỏi giang cả việc trong lẫn việc ngoài. Là người có tấm lòng bao la, bà giúp đỡ hết thảy những người khó khăn khi họ cần. Tôi vô cùng tự hào về mẹ. Từ nhỏ đã mong ước ngày sau trở thành người như mẹ tôi. Tôi đã luôn ngước nhìn bà để học cách hành xử, cách tư duy và các mối quan hệ xã hội.

Bà trong tâm trí tôi luôn là một bức tranh đẹp rạng ngời. Sau khi ba tôi mất, bà càng rực rỡ hơn, bởi đã ủng hộ tôi nghỉ Y để theo Tâm lí. Vậy mà, một năm sau, tôi trở về nhà và nói với mẹ: “Con không biết đến bao giờ mẹ mới ngừng thái độ nói chuyện kiểu ra lệnh với con?”. Đôi mắt bà nhìn tôi bao dung, không nói gì. Tại sao tôi lại thay đổi đến như vậy với mẹ? Vì sự thật là bà không “tài giỏi” như tôi hằng tin, thật thất vọng, tôi thấy mình “ngang hàng” với bà.

KIẾN THỨC TÂM LÝ HỌC

Niềm tin đổ vỡ, tôi chỉ tập trung vào sự khổ sở của mình mà quên đi những điều căn bản:
CON NGƯỜI, AI CŨNG CÓ CÂU CHUYỆN CỦA RIÊNG MÌNH

Họ lớn lên theo thuyết ERIKSON (https://ybox.vn/gia-vi/8-giai-doan-tam-ly-xa-hoi-cua-con-nguoi-dm0z3kfuto). Phải luôn nổ lực tiến lên từng bậc trên THÁP NHU CẦU MASLOW (https://trangtamly.blog/2016/10/15/thap-nhu-cau-maslow/). Buộc phải mang theo mình những ĐỊNH KIẾN mà xã hội áp đặt vào, và luôn PHÒNG VỆ để bảo về chính mình (http://tamlyhoctoipham.com/kham-pha-20-co-che-phong-ve-tam-ly-thuong-gap).

Là người con mang lòng ngưỡng mộ mẹ mình suốt hai mươi mấy năm, tôi quên đi một chân lí:

“MẸ TÔI CŨNG LÀ CON NGƯỜI”

Mẹ lớn lên trong bối cảnh gia đình, xã hội như thế nào, tôi chỉ được nghe qua những câu chuyện kể rời rạc. Hẳn nó phải chứa đựng rất nhiều khó khăn, vất vả, buộc người trong cuộc phải đổ mồ hôi, rơi nước mắt thì mới tôi luyện nên một người phụ nữ can trường như vậy. Ông bà ngoại liệu có hỗ trợ bà đạt được những mục tiêu trong tiến trình phát triển tâm lý của mẹ hay không? Bà đã phải nỗ lực đến thế nào để vượt qua những bậc nhu cầu đầu tiên về sự an toàn, có cuộc sống no đủ, để hôm nay tôi cũng được hưởng thụ thành quả này. Xã hội thời trước hẳn đã áp đặt vào bà nhiều định kiến mà ở thời đại này người ta thấy thật cổ hữu. Để xóa đi những định kiến đó nào có dễ, bởi bà có những trải nghiệm của bản thân chứng minh điều ngược lại.

THAY ĐỔI

Khi tôi gác nỗi đau của bản thân qua một bên, tôi đã nhìn thấy một người mẹ tảo tần. Bà không ngừng cố gắng từng ngày để làm tròn các bổn phận. Làm người mẹ, làm người con, làm người chị, người em trong gia đình. Làm người công dân tốt trong xã hội. Tôi chợt thấy mẹ gần với mình hơn, đáng thương hơn, nhưng càng đáng kính hơn. Và hơn hết bà cũng là một con người cô độc như tôi, tôi thương bà nhiều hơn.

THỬ THÁCH

Xóa đi khoảng cách giữa mình và mẹ là một hành trình dài, tôi cùng tâm lí khai phá những góc khuất trong con người mình. Tôi kéo mình bước qua từng góc tối với sự giúp đỡ của nhiều người bạn trong ngành. Sự trung thực của tôi với họ, của họ với tôi, đã hỗ trợ tôi bước đi nhanh hơn mỗi ngày trên hành trình đó.

Khi lôi bản thân ra vùng sáng, mỗi ngày chính mình nhìn rõ hơn diện mạo của bản thân. Tôi từng đã ngượng ngùng, khó chịu, xấu hổ cả ngờ vực, hoang mang về tôi.

Đổi lại, tôi thật sự nhẹ nhàng khi được sống là chính mình.

NHIỆM VỤ

“FORGIVENESS IS JUST ANOTHER NAME FOR FREEDOM”

Theo Maria Konnikova: Thấu Cảm là gồm cả khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân và yêu cầu về ý thức ( đủ kiến thức) để đặt mình vào vị trí của người khác.
Thế hệ chúng ta được tiếp cận với nguồn tri thức vô tận của nhân loại, mở ra cho ta cơ hội lớn hơn để thấu cảm người khác so với thế hệ trước. Hãy học hỏi để tự tăng cường khả năng thấu cảm, để mở lòng thấu hiểu cha mẹ.

KÉO GẦN HAI THẾ HỆ LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA THẾ HỆ TRẺ

LÀ ĐỀN ĐÁP CÔNG ƠN CỦA CHA MẸ.

K.N