HÀNH TRÌNH (Phần 5) – Bước chân thứ ba_Bước chân đến hạnh phúc
“Khi nào thì kết hôn?”
Câu hỏi “quốc dân” này có khi không chỉ quá quen thuộc mà còn là nỗi ám ảnh của nhiều người trẻ hiện nay. Nếu ở thời ông bà cha mẹ chúng ta chỉ đơn giản “đến tuổi dựng vợ gả chồng” là đa số mọi người sẽ bước vào hôn nhân, thì ở thế kỉ 21, những người ở tuổi đó vẫn còn hàng trăm mối tơ rối ren trong lòng khi nghĩ về chuyện “từ bỏ” cuộc sống độc thân. “Tôi có rất nhiều ước mơ còn dang dở, sao có thể kết hôn”, “em thấy mình lương tháng chẳng bao nhiêu, kết hôn rồi có con, liệu có nuôi nổi không”, “yêu đương tốn kém lắm, FA cho khỏe”, “con gái có một lần thanh xuân, phải tận hưởng đã chớ”…..
Hôn nhân hạnh phúc có không?
Hôm qua mình đi xem bộ phim Tiệc trăng máu, ngoài vì những lời khen có cánh về bộ phim remake xuất sắc cùa Việt Nam, mà còn vì lời khuyên của một đứa em gái: em nghĩ các cặp đôi không nên cùng xem phim này. Xem rồi thì cũng hiểu tại sao cô em gái lại lo ngại như vậy. Trong hoàn cảnh rối bời của các cặp đôi diễn viên chính, khung hình ông bà lão ở khu chung cư bình thường đối diện, thật sự gợi lên quá nhiều suy nghĩ cho mình: “để được như họ, khó lắm sao”?
Mình gặp chồng lần đầu tiên tầm khoảng 4 tháng trước (Hẹn hò: 28/6/2020 – Kết hôn: 28/10/2020), đến giờ anh chồng vẫn chưa đọc hết những bài viết trên đây của mình nữa. Thậm chí sau đám hỏi, tình cờ có hôm mình hỏi anh “anh biết họ tên em không anh?”, đương nhiên anh trả lời là “không em”. Mình nghe xong chỉ thấy buồn cười về hai đứa, chứ cũng không thấy phiền hà gì. Chắc tại anh không biết họ tên mình nhưng khi xem những bức ảnh hay video ngày xưa, anh gần như có thể nhận ra mình ngay lập tức kể cả là nhìn từ phía sau trong một đám bạn loi nhoi. Cảm giác như chỉ với khoảng thời gian ngắn ngủi kia, mà anh đã ngắm nhìn mình còn nhiều hơn hai mười mấy năm mình tự ngắm nghía bản thân.
Trước lúc mẹ anh xuống nhà hỏi cưới, mẹ mình hỏi “làm sao con biết người này hợp với con?”. Thật sự là ngay từ lần đầu gặp anh, sau 13 tiếng đồng hồ hai đứa chia sẻ câu chuyện cá nhân cho đối phương, mình đã biết rằng: chặng đường tiếp theo mình muốn đồng hành cùng con người này. Có lẽ vì bọn mình gặp nhau ở thời điểm cả hai đã khá rõ ràng về bản thân, có một độ hiểu kha khá về câu chuyện đời mình trước đây, đồng thời cũng đã có sự hình dung nhất định về hướng đi sắp tới, về “đức tin” của bản thân với cuộc đời, nên “lộ trình” tìm hiểu người kia của hai vợ chồng khá “dễ dàng”. Sự “dễ” này chắc cũng là nhờ vào hai người có tư tưởng và thái độ sống khá giống nhau, nên khi nghe quan điểm của người kia là có thể tiếp thu và hình dung khá tương đồng với lời chia sẻ đó. Vậy nên là cưới xong chưa có gặp hiện tượng “vỡ mộng”. 😉
Đâu phải ai muốn kết hôn, cũng gặp được người mình yêu và yêu mình…
Yêu phải chăng là một nghệ thuật? Nếu đúng thế, nó đòi hỏi sự hiểu biết và nỗ lực. Hay yêu là một cảm giác dễ chịu, và việc thể nghiệm tình yêu là một vấn đề cơ duyên, là cái mà người ta “ngã vào” [falling] nếu hữu duyên?
… Hầu hết mọi người xem tình yêu trước tiên là vấn đề được yêu [being loved], hơn là yêu [loving], là khả năng yêu của một người. Vì thế, vấn đề đối với họ là làm sao để được yêu, làm sao để đáng yêu [lovable]. Để theo đuổi mục đích này, họ chọn đi theo nhiều cách. Có một cách, đặc biệt được đàn ông sử dụng, đó là phải thành đạt, quyền lực hoặc giàu có theo địa vị xã hội của mỗi người cho phép. Một cách khác, được riêng phụ nữ đặc biệt sử dụng, là phải trở nên hấp dẫn, bằng cách chăm sóc cơ thể, trang phục của mình v.v. Còn một cách nữa, được cả đàn ông phụ nữ sử dụng để tạo sức hấp dẫn, là học cách cư xử dễ chịu, trò chuyện thú vị, hữu ích, khiêm tốn và thân thiện. Bao nhiêu cách để làm cho bản thân đáng yêu thì cũng có bấy nhiêu cách để giúp bản thân thành công, để “thêm bạn và cảm hóa mọi người” [“đắc nhân tâm”]. Thực tế, với hầu hết mọi người trong nền văn hóa [phương tây], “đáng yêu” về cơ bản là một sự kết hợp giữa được nhiều người ngưỡng mộ [popular] và có sức hấp dẫn giới tính.
Tiền đề thứ hai đằng sau quan điểm “chẳng có gì để học về tình yêu” là nhận định: vấn đề về tình yêu là vấn đề của một đối tượng [object], chứ không phải một quan năng [faculty]. Ai cũng nghĩ yêu thật đơn giản, cái khó là tìm ra đúng đối tượng để yêu – hay được yêu. Quan điểm này có một số nguyên nhân bắt nguồn từ sự phát triển của xã hội và văn hóa hiện đại.
..Sai lầm thứ ba dẫn tới sự mặc định rằng chẳng có điều gì để học hỏi về tình yêu nằm ở việc người ta lẫn lộn giữa trải nghiệm ban đầu về sự “sa vào” với trạng thái lâu bền của việc đang yêu, hay có thể nói rõ hơn là của việc “đứng trong” [standing] tình yêu. Nếu trước đó hai người xa lạ, như mọi người chúng ta, đột nhiên đánh sập bức tường giữa họ, và cảm thấy gần gũi, cảm thấy là một, thì khoảnh khắc “là một” này là một trong những thể nghiệm hân hoan nhất, xúc động nhất trong đời. Nó càng tuyệt vời và kỳ diệu hơn với những người từng sống khép kín, cô lập, không có tình yêu. Phép màu của sự gần gũi bất ngờ này thường dễ dàng hơn nếu nó kết hợp hoặc bắt đầu bằng sự hấp dẫn tình dục và được thỏa mãn. Tuy nhiên kiểu tình yêu này, tự bản chất, là không bền vững. Hai người càng trở nên quen thuộc với nhau thì sự thân mật giữa họ càng lúc càng mất đi tính kì diệu, cho tới khi sự đối nghịch, nỗi thất vọng, chán nản của cả hai triệt tiêu chút gì còn lại của nỗi phấn khích ban đầu. Nhưng ngay từ đầu họ không biết tất cả điều đó: trên thực tế, họ coi mức độ mãnh liệt của cuồng si, của việc “điên rồ” vì nhau này, là bằng chứng cho tình yêu nồng nhiệt của họ, trong khi nó chỉ cho thấy mức độ cô đơn của họ trước đó mà thôi.
Quan niệm này (rằng chẳng có gì đơn giản hơn là yêu) vẫn tiếp tục phổ biến bất chấp bằng chứng áp đảo cho thấy điều ngược lại…
_ ERICH FROMM
Nếu bạn có đọc những phần trước của chuỗi bài Hành trình này, hẳn bạn cũng biết mình đã dành tình cảm đơn phương cho một người bạn cùng lớp trong khoảng 6 năm. Có lẽ trong 6 năm đó mình đã chiêm nghiệm đủ cả 3 ngộ nhận về tình yêu trong đoạn trích trên. Và thật may mắn là bạn ấy đã luôn trung thực để từ chối những “ảo tưởng” về tình yêu của mình.
Nhưng không phải gặp chồng rồi mình mới nhận ra yêu là như thế nào, vì chính mình mới là người tạo ra cơ hội gặp nhau cho cả hai. Khi một mình đi xe từ Sài Gòn đến Đaklak để thăm vườn của anh dù trước đó anh đã có ý từ chối.
Bước thứ nhất cần làm là phải ý thức được yêu là một nghệ thuật, giống như sống cũng là một nghệ thuật vậy. Nếu ta muốn học cách yêu, chúng ta phải bắt đầu giống như cách ta học bất kỳ môn nghệ thuật nào khác, như âm nhạc, hội họa, hay y học và kỹ thuật.
Đâu là những bước cần thiết để học bất kỳ nghệ thuật nào?
Qúa trình học hỏi một nghệ thuật có thể được chia thành hai phần: một là tinh thông lý thuyết: hai là tinh thông thực hành. Nếu tôi muốn học y, đầu tiên tôi phải biết được những kiến thức về cơ thể người và những bệnh khác nhau. Khi đã có những kiến thức lý thuyết này, không phải đương nhiên tôi đủ khả năng chuyên môn về y khoa. Chỉ sau khi thực hành rất nhiều, tôi mới trở thành bậc thầy trong nghệ thuật này, cho tới khi rốt cuộc thành quả của kiến thức lý thuyết và kết quả thực hành được kết hợp làm một – trực giác của tôi, đây là bản chất của sự tinh thông bất kỳ môn nghệ thuật nào. Nhưng, ngoài học kiến thức lý thuyết và kiến thức thực hành, còn có một yếu tố cần thiết thứ ba để trở thành người tinh thông – đó là phải coi việc tinh thông nghệ thuật là mối quan tâm tối hậu; trên đời này chẳng có thứ nào quan trọng hơn nghệ thuật. Điều này đúng với âm nhạc, y học, nghề mộc – và với tình yêu. Có lẽ, ở đây có câu trả lời cho câu hỏi vì sao nền văn hóa của chúng ta rất hiếm người học về nghệ thuật này, bất chấp những thất bại rõ ràng của họ: dù có khát vọng thầm kín về tình yêu, hầu hết mọi thứ khác vẫn được coi là quan trọng hơn tình yêu – thành đạt, thể diện, tiền bạc, quyền lực. Hầu hết mọi năng lượng của ta đều được dùng để học cách đạt được những mục tiêu này, và hầu như chẳng còn năng lượng để học về nghệ thuật yêu.
Phải chăng chỉ những thứ mang lại tiền bạc hay danh vọng mới là những điều xứng đáng để học hỏi, còn tình yêu, thứ “chỉ” có lợi cho tâm hồn mà không đem lại bất kỳ lợi ích gì theo nghĩa hiện đại [tức “lợi nhuận”], là một thứ xa xỉ mà chúng ta không có quyền dành nhiều năng lượng?…
_ ERICH FROMM
“ĐIỀU DUY NHẤT MÀ MÌNH BIẾT VỀ TÌNH YÊU TRƯỚC KHI GẶP CHỒNG LÀ: PHẢI DÀNH THỜI GIAN VÀ NĂNG LƯỢNG CHO TÌNH YÊU. BỞI TÌNH YÊU SẼ LÀ NỀN TẢNG TỐT HƠN TIỀN ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH, THẾ HỆ SAU VÀ CON NGƯỜI.”
K.N
P/S: còn lại nhiều điều thú vị về tình yêu thì là chồng đã cùng mình mang lại trải nghiệm cho nhau 🙂
K.N
Sách tham khảo: The Art of Loving – Erich Fromm
Lê Phương Hiền
“Hôn nhân là : hai người đi chung hướng + cùng vận tốc = luôn đồng hành cùng nhau.” Câu này hay quá!!