HÀNH TRÌNH (PHẦN 4.2) – Bước Chân Thứ Hai_Bước chân đến Tình yêu

4.2 – TÌNH YÊU VỚI GIA ĐÌNH

“Con học để làm gì vậy?” mẹ cười hỏi tôi, vẻ hiếu kì.

Mẹ thấy khó hiểu cũng phải. Tôi là học sinh toàn diện từ bé, đến giờ tôi nghĩ mình vẫn vậy, chỉ có nhiều người khác thì không thấy vậy sau khi tôi quyết định ngừng đến trường (chứ chưa bao giờ ngừng học). Mẹ bảo bà đã luôn tự hào vì tôi thể hiện rất tốt trong thời gian còn ngồi ghế nhà trường. Mẹ đã không tiếc bất kì “cái giá” nào để hỗ trợ việc học của tôi. Vậy mà hai mươi bốn tuổi, tôi không có dù chỉ là một tấm bằng nghề để làm “cần câu cơm” – đây là cách cảm thán sự tiếc nuối của bất kì một người lớn nào nghe về câu chuyện của tôi.

Những lần đầu nghe cách diễn đạt đó, tôi chỉ im lặng, cười trừ. Tôi cho rằng có giải thích người ta cũng chẳng hiểu. Qua mỗi năm, những câu nói đó cũng vơi đi, nhưng có một cái khác đã đầy lên. Đó là sự thấu cảm. Bây giờ, tôi thấy biết ơn khi nghe lại câu nói đó, bởi tôi đã hiều rồi:

“Con cám ơn mọi người đã lo lắng cho con!” <3

K.N

“ba ơi!”

Có vẻ mục đích đến trường của tôi và mục đích đưa tôi đến trường của ba mẹ, mỗi sáng, 18 năm, không giống nhau lắm. Ban đầu tôi cũng chưa biết mình học đề làm gì, chỉ là thấy ai cũng học thì học thôi. Ba mẹ thì rõ ràng mục tiêu hơn, đưa tôi đi học để sau này có cái nghề tự nuôi thân. Cho đến lúc chọn trường đại học tôi cũng nghĩ vậy, đi học là để có cái nghề mà kiếm sống, mà làm người có ích cho gia đình, cho cộng đồng. Nhưng…

Ba tôi mất sau 6 tháng phát hiện bệnh ung thư. Lúc đó tôi vào đại học được 3 tháng. Sau ngày đó, tự nhiên tôi không biết mình phải làm gì nữa. Cứ quay lại trường học đã… Nhưng có vài câu hỏi cứ đi theo tôi bất kể ngày đêm, bất kể lúc thức giấc hay đã chìm vào giấc ngủ. “Tại sao ba mất như vậy, mất vào thời điểm này? Còn mẹ tôi thì sẽ như nào? Tôi phải sử dụng thời gian sao đây? Trường và nhà hơi xa nhau.”

Giờ nhớ lại mới thấy, chắc là từ đó mà tôi với ngôi trường y ngày một xa cách. Thầy cô ở trường không còn dạy những điều mà tôi đang bận tâm nữa. Tôi đã “thay lòng” rồi. Tôi không muốn biết về cách có cái nghề nữa, tôi muốn biết cách SỐNG. Sống sao để không “trống rỗng” đến mức vô cảm như lần nghe tiếng điện thoại reo giữa đêm khuya đó.

18 tuổi – bên trong tôi “trống rỗng”

Nghe tin ba mất, mặt tôi không biến sắc, lòng tôi chỉ gợn chút đau buồn. 3 ngày cuối bên cạnh ba, có những lúc, tôi biết là mình đã phải “cố gắng” để khóc. Tôi “sợ” chính con người mình, tôi bất lực với những phản ứng của nó: “Mày không nghe người ta nói mày không biết buồn khi ba mất hả? Sao cứ bày cái mặt đơ đơ như vậy? Mày là đứa con gì vây?”. Tự tôi còn dằn vặt mình về cái biểu hiện đó suốt nhiều năm sau nữa.

sự “trống rỗng” – từ đâu đến

Theo trí nhớ xa nhất của mình, thì toàn bộ thời gian từ lúc đó đến ngày ba mất, tôi dành để lưu tâm đến việc học, đến việc trường lớp, đến bạn bè. Ba tôi hoàn toàn không có trong những kí ức đó. Chỉ có duy nhất một tháng trước khi ba mất, tôi mới tạm dừng việc học ở trường, quay về nhà, để làm một đứa con gái ngơ ngơ không biết phụ gì. Trong cảnh nhà: ba bệnh nặng, mẹ lo việc chạy chữa, cơm nước thì các dì, các cô đảm nhận, hàng xóm, láng giềng xa gần “tấp nập” thăm hỏi, có một người chị gái thì đã bỏ nhà đi.

Tôi có gì để ngăn chặn sự “trống rỗng” đó đây. Tôi không có kí ức về ba. Chúng tôi còn chưa từng có tấm hình chụp riêng với nhau. Tôi cũng không biết báo hiếu là làm gì? Tôi chưa từng nấu cho ba bửa cơm đàng hoàng, tôi chưa từng chủ động gọi điện hỏi thăm ba, tôi chưa từng phụ giúp gì cho ba. Và hơn hết là: tôi chưa từng hiểu ba tôi.

Vậy nên, để không lặp lại vòng quay ở trên với mẹ, con đã thay đổi mục tiêu học.

“CON HỌC ĐỂ CÓ THỂ HIỂU NGƯỜI QUAN TRỌNG VỚI MÌNH.”

K.N

“mẹ ơi!”

(continue HÀNH TRÌNH – BƯỚC CHÂN THỨ HAI_Bước chân đến Tình yêu (Phần 4.2: Tình yêu với gia đình: “mẹ ơi!”))

K.N